M88 Link: Trang Chủ

Một số vấn đề về “nếp nghĩ, cách làm” trong chuyển dịch cách thức lao động của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Thứ năm - 12/10/2023 10:20

Nguồn tin: Th.S A Phúc - Trưởng phòng TCHCTTTL

          Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 24-02-2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kết luận số 08 về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh. Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự “tương phùng” của ý Đảng, lòng dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện thắng lợi cuộc vận trên là một trong những điều kiện quan trọng, mang ý nghĩa quyết định góp phần đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

         Trong bài viết này, tôi xin trình bày suy nghĩ cá nhân về “nếp nghĩ, cách làm” trong chuyển dịch cách thức lao động của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Qua đó, hy vọng có những đóng góp nhất định vào trong quá trình thống nhất về nhận thức và hành động của Hệ thống chính trị và toàn dân nhằm thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động nêu trên.
        “Nếp nghĩ”, là toàn bộ những suy nghĩ, ý nghĩ của các chủ thể đã được định hình; cố kết bền chặt trong đời sống tinh thần và khó thay đổi trong những điều kiện thực tiễn – lịch sử nhất định. Nó tồn trong di sản văn hóa – tinh thần của cộng đồng, trong quan niệm hoặc chuẩn mực giá trị ứng xử giữa con người với nhau; con người với tự nhiên và với xã hội. Đối với cộng đồng DTTS tại chỗ ở Kon Tum, “nếp nghĩ” được thể hiện trong đời sống văn hóa – tinh thần của người dân. Trong đó, thể hiện rõ nét trong lối suy nghĩ trong các hệ thống quan hệ ứng xử giữa cá nhân – cá nhân; giữa con người – tự nhiên; ứng xử giữa con người – xã hội (cộng đồng).
        “Cách làm” là cụm từ dùng chỉ phương pháp, cách thức, phương thức mà con người tác động vào tự nhiên và xã hội theo những định hướng nhất định do “nếp nghĩ” quy định (có thể hiểu đó là sự tác động trở lại của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội).
         “Nếp nghĩ” và “cách làm” có mối quan hệ khăng khít lẫn nhau. Trong đó, nếp nghĩ là tiền đề, là nhân tố định hướng hành vi; cách làm là biểu hiện ra bên ngoài một cách trực quan, cảm tính nếp nghĩ của chủ thể. Quá trình đạt được mục tiêu trong hành động thực tiễn bằng cách làm cụ thể là nhân tố kiểm chứng tính đúng đắn, phù hợp của nếp nghĩ chủ thể.
         “Nếp nghĩ”, “cách làm” của các cộng đồng người nói và của người DTTS là một khái niệm rộng. Nó hiện hữu trong toàn bộ thực tiễn, gắn chặt với hoạt động nhận thức và định hướng hành vi của con người trong những điều kiện cụ thể của tồn tại xã hội. Do đó, có thể tiếp cận nghiên cứu “Nếp nghĩ”, “Cách làm” của người DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum ở nhiều giác độ như: “Nếp nghĩ”, “Cách làm” của người DTTS trong lao động sản xuất; trong hôn nhân – gia đình; trong đời sống tín ngưỡng – tôn giáo; trong học tập, giáo dục, nâng cao trình độ; trong vấn đề y tế - chăm sóc sức khỏe... Bài viết này chủ yếu đề cập về nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS ở Kon Tum trong lao động, sản xuất.
        Trong phạm vi Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì “cách làm” là toàn bộ hành động, việc làm của đồng bào DTTS trong tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh. Theo đó, trong khuôn khổ tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì “nếp nghĩ”, “cách làm” cũ của đồng bào DTTS còn tồn tại và ẩn chứa những nhân tố tiêu cực, lạc hậu, chưa phù hợp so với nhu cầu cải tạo thực tiễn vì sự an sinh, an toàn và phát triển toàn diện đời sống mọi mặt của Nhân dân. Do đó, để có định hướng tác động làm thay đổi “nếp nghĩ”, “cách làm” của đồng bào DTTS thì trước hết cần phải nhận diện chúng đã hình thành và đang tồn tại như thế nào? “nếp nghĩ”, “cách làm” từ quá khứ, trong hiện tại có những điểm gì nổi bật tác động cản trở tiến trình phát triển của cộng đồng DTTS và xác lập hệ thống giải pháp như thế nào để thực hiện “gạn đục, khơi trong” nếp nghĩ, cách làm của cộng đồng DTTS.
           Trong nhiều báo cáo kinh tế - xã hội hoặc báo cáo thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, xuất hiện khá nhiều lần nhận định về nguyên nhân hạn chế kết quả giảm nghèo là từ việc chậm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất. Tác giả xin nêu một số nếp nghĩ, cách làm chủ yếu trong lao động, sinh hoạt có ảnh hưởng đến sự phát triển nhiều mặt, nhất là về kinh tế của đồng bào DTTS như sau:
          - Du canh còn tồn tại ở một số hộ gia đình đồng bào DTTS ở một số địa phương. Đây là một “cách làm” gắn với phương thức sản xuất xưa kia của người DTTS. Đất được chọn làm rẫy là những nơi màu mỡ, khu rừng già hoặc rừng đã tái sinh sau 5 đến 7 năm, 10 đến 15 năm hoặc lâu hơn. Do đó, trong sản xuất nông nghiêp xưa kia đất được “nghỉ”, rừng được tái sinh nên qua nhiều đời người cư trú và canh tác, đất và rừng của các dân tộc tại chỗ thường ít bị suy giảm về độ màu và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, ngày nay, với phương thức canh tác nêu trên đã và đang để lại những hậu quả to lớn trên cả phương diện chất lượng đất và tính đa dạng sinh học trong khi nông sản kém phong phú về chủng loại.
         - Sản xuất tự cấp, tự túc chậm chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa: Tập quán sản xuất tự cấp, tự túc là nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất mà đặc điểm chủ đạo là tư duy sản xuất chủ yếu chỉ nhằm mục đích cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của hộ gia đình. Tập quán này làm hạn chế tính đa dạng trong giải quyết nhu cầu sinh tồn của các thành viên trong gia đình. Hạn chế năng lực sản xuất, làm đơn điệu các loại sản phẩm lao động làm ra. Trong điều kiện đời sống kinh tế dịch chuyển sang sản xuất hàng hóa, khi tập quán này còn duy trì sẽ dẫn đến sự trì trệ của hoạt động kinh tế; trực tiếp tác động vào mức thu và nguồn thu của hộ gia đình; dẫn đến lãng phí hoặc không khai thác tốt các nguồn lực phục vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
         - Trong trồng trọt, chăn nuôi, tư duy kinh nghiệm còn phổ biến, việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong canh tác còn hạn chế làm năng suất lao động không cao; không tạo được lượng hàng hóa nông nghiệp đủ lớn làm tăng thu nhập của Nhân dân. Mặt khác, một bộ phận nông dân đồng bào DTTS chưa nắm vững quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nhất là thuốc diệt cỏ, diệt sâu bọ làm kém phẩm chất nông sản; gây ảnh hưởng sức khỏe của người lao động và người tiêu thụ sản phẩm. Một số khác vì chạy theo lợi nhuận trước mắt đã tiếp tay hoặc trực tiếp sản xuất, mua bán hàng hóa nông sản, lâm sản dược liệu, sản phẩm mật ong... kém chất lượng gây giảm sút uy tín của sản phẩm địa phương trước khách hàng. Từ đó, làm giảm sức canh tranh của sản phẩm hàng hóa địa phương trên thị trường.
         - Duy trì thói quen canh tác nương rẫy (Phát – đốt – chọc trỉa) với loại cây trồng truyền thống như lúa, sắn, ngô... cho năng xuất thấp, kém cạnh tranh với sản phẩm khác trên thị trường. Tập quán này tác động đa chiều đến sự phát triển bền vững của địa phương. Thứ nhất, gây ra những khó khăn, trở ngại trong quản lý đất đai của Chính quyền địa phương. Thứ hai, đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai có liên quan đến việc không kịp thời thực hiện thủ tục pháp lý để xác lập quyền sử dụng đất. Thứ ba, tác động trực tiếp mức tăng thu nhập và ổn định nguồn thu nhập của đồng bào DTTS.               Thứ tư, làm bạc màu đất nhanh chóng, tiềm tàng nguy cơ sạt lở, xói mòn đất.
          - Duy trì kinh tế khai thác tự nhiên (kinh tế tự nhiên) dẫn đến khai thác suy kiệt các nguồn lợi (sinh kế) từ rừng. Do tập quán sản xuất, nông cụ còn lạc hậu, năng suất thấp nên trong đời sống sản xuất xưa kia khai thác tự nhiên chiếm vị trí chủ đạo. Đến nay, tập quán này vẫn còn duy trì ở một số địa phương có nhiều tiềm năng về động vật, thực vật, lâm sản, thổ sản. Là vấn đề đáng lo ngại đối với các nỗ lực của Hệ thống chính trị trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là hệ động, thực vật quý hiếm, đặc hữu của địa phương.
       - Tâm lý cộng đồng ngại ly hương, ly nông chuyển đổi nghề nghiệp vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Trong tình hình hiện nay, việc dịch chuyển lao động nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao thu nhập đồng thời cũng quyết định việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS. Theo tác giả, việc ly hương, ly nông, chuyển đổi nghề nghiệp ví như là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Việc dịch chuyển lao động giúp người lao động DTTS được tiếp cận, học tập, tích lũy kinh nghiệm, tư duy mới về tổ chức sản xuất, kế hoạch hóa chi tiêu, tăng cường tính kỷ luật, kỹ thuật trong lao động sản xuất.
        - Thiếu kế hoạch chi tiêu trong sinh hoạt và lao động sản xuất còn là một nếp sống, cách làm của một bộ phận không nhỏ hộ đồng bào DTTS. Xưa kia, đời sống của người đồng bào DTTS vốn được thiên nhiên ưu đãi; nếp sống giản dị; kém đa dạng về nhu cầu vật chất, trong văn hóa tinh thần nổi trội tinh thần trọng tình, trọng nghĩa và hào sảng. Do đó, nếp nghĩ, lối sống trên cũng phần nào hạn chế động lực thúc đẩy nỗ lực làm việc cải tạo đời sống vật chất của chính đồng bào DTTS trên địa bàn.
         - Hoạt động buôn bán đổi hàng hóa trong cộng đồng DTTS chưa đạt trình độ phát triển cao dựa trên các quy luật cơ bản của kinh tế hàng hóa (quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị...); chưa hình thành tư duy, thói quen sản xuất gắn kinh doanh, quảng bá sản phẩm; chưa xuất hiện tầng lớp thương gia (nhà buôn) người DTTS tại chỗ.
       - Tín ngưỡng “đa thần, vạn vật hữu linh” còn tồn tại trong đời sống tinh thần của một bộ phận Nhân dân DTTS cũng có tác động nhất định đến nếp nghĩ cách làm của họ. Vì phải chống chọi với nhiều mối nguy hiểm khác nhau như thiên tai, địch hoạ, cộng với hiểu biết về tự nhiên và trình độ chinh phục thiên nhiên còn thấp nên ngay trong ý thức xã hội, các dân tộc thiểu số tại chỗ đã hình thành hệ thống tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Các nghi thức cúng tế của các DTTS tại chỗ thể hiện một cách sinh động tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh như:
        Ăn mừng, uống mừng, lễ; tập quán tang ma như táng treo, táng lộ thiên; để lâu ngày; hoạt động cúng lễ cầu an cho cộng đồng hoặc quy mô hộ gia đình với việc cúng chữa bệnh, giải xui, tạ ơn thần linh; tục trả nợ miệng (tạm mô tả là việc xẻ thịt trâu, bò, lợn số lượng lớn so với khả năng kinh tế của gia chủ để đãi khách viếng đám tang, đám cưới); quan niệm về cái chết xấu... Thông thường, các hoạt động cúng lễ nêu trên có thời gian thực hiện khá dài ngày; lượng gia súc, gia cầm và nông sản tiêu thụ khá lớn do phục vụ quy mô cộng đồng nên gây ra những tổn thất quá mức so với khả năng tự bù đắp kinh tế của chủ nhân dẫn đến “nghèo hóa”.
       - Tâm lý trông chờ ỷ lại vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng trong một bộ phận hộ DTTS dẫn đến kết quả giảm nghèo, cải thiện an sinh xã hội còn thấp, kém bền vững.
        Như vậy, qua sự trình bày khái quát nêu trên cho thấy những nếp nghĩ, cách làm cũ xưa đến nay có nhiều yếu tố, nhân tố không còn phù với bối cảnh yêu cầu mới. Do đó, ngày 18-3-2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 18-3-2022 "về tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh". Từ trình bày nêu trên, tác giả đề xuất một số định hướng giải pháp làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS ở Kon Tum trong thời gian tới như sau:
        Một là, tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, huy động tất cả các loại hình, phương tiện truyền thông hiện có trên địa bàn để tập trung tuyên truyền, vận động việc triển khai chủ trương cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS trong lao động sản xuất.
        Hai là, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trong vùng đồng bào DTTS gắn với xây dựng và phát triển các mô hình tổ chức quản lý sản xuất, liên kết, hợp tác, hợp tác xã. Chính quyền các cấp cần chủ động, sáng tạo và kiến tạo về tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường; phát hiện, tổng kết đánh giá và nhân rộng mô hình phù hợp trong triển khai cuộc vận động.
        Ba là, đẩy mạnh công tác xúc tiến việc làm, đưa người lao động DTTS tham gia thị trường lao động trong nước, ở nước ngoài. Đồng thời phát hiện và phát huy nhân tố tích cực của người lao động đã trở lại địa phương để thông qua đó tạo hình ảnh, động lực tích cực cho cá nhân khác trong cộng cộng đồng học tập, làm theo nếp nghĩ, cách làm mới.
       Thứ tư, có kế hoạch tập hợp, phát huy vai trò của tầng lớp trí thức người đồng bào DTTS trong thực hiện Kết luận 08 và Chỉ thị 03 nêu trên. Tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn để hệ thống hóa nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS từ đó có giải pháp xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tạo bứt phá về tư tưởng, tinh thần cho cách làm mới, hiệu quả để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững. Cuộc vận động cần triển khai thực hiện với phương châm lấy kinh tế làm mục tiêu, động lực; xóa bỏ mê tín dị đoan, hủ tục, tập quán lạc hậu làm đột phá để đạt mục tiêu đề ra là làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.
        Thứ năm, nghiên cứu, xây dựng hệ thống giải pháp tạo động lực thúc đẩy hành vi của người DTTS tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tích cực hưởng ứng thực hiện các chủ trương, chính sách về an sinh, phúc lợi xã hội, không trông chờ, ỷ lại nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

baove
 
pc dbhb
 
hcmaa

kontum
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây